Link gốc: http://ictdanang.vn/chi-tiet?articleId=34124

(ictdanang) – Được lựa chọn cho buổi tiệc chiêu đãi chính thức APEC CEO Summit có sự tham gia của gần 1.200 đại biểu với 1.300 tô mì Quảng tại cung Tiên Sơn, Đà Nẵng trong dịp APEC vừa qua không phải là một nhà hàng sang trọng, mà là một quán mì rất đỗi bình dân giữa lòng thành phố Đà Nẵng.

Quán mì Quảng Giao Thủy phục vụ tiệc chiêu đãi tại cung Tiên Sơn. Ảnh: DUY HÒA

Đặc sản đãi khách

Sau bữa tiệc, anh Lê Vinh-một doanh nhân Việt kiều chia sẻ : “Món mì Quảng của tiệc chiêu đãi tại cung Tiên Sơn thật tuyệt, tôi đã ăn 2 tô liền. Tôi đã ăn mì Quảng nhiều nhưng thật sự tô mì Quảng lần này mới thật ấn tượng”.

Được giao trọng trách cung cấp 1.300 tô mì Quảng cho buổi tiệc đó là quán mì Giao Thủy trên đường Ba Đình, Đà Nẵng. Quán bán mì Quảng bình dân với giá chỉ từ 25.000 đồng mỗi tô. Chủ quán là ông Tào Viết Mười chia sẻ: “ Tôi chưa bao giờ nghĩ tới việc mình sẽ được phục vụ hàng ngàn tô mì cho đại biểu APEC”.

“Đơn vị tổ chức buổi tiệc nói có vị lãnh đạo giới thiệu quán mì Giao Thủy”- ông Mười cho biết. Yêu cầu được đưa ra là 1.300 tô mì đều là mì gà, đã rút xương, không da, có bắp chuối, rau húng, đậu phụng. Thời gian giao hàng đúng 12g00, trưa 9-11. Để phục vụ nhiệm vụ “có một không hai” này, ngoài cơ sở 1 ở đường Ba Đình, ông Mười còn huy động 20 nhân viên ở các cơ sở mì Giao Thủy mà con ông đang làm ở Quảng Nam, Đà Nẵng tham gia.

Theo ông Mười, để chuẩn bị cho bữa tiệc với hơn 1.000 thực khách, quán ông đã mua 160 con gà ở quê –có đóng dấu kiểm dịch, 20kg bắp chuối xắt, 5kg rau húng và …2 tạ mì. Ngay từ ngày 8-11, khoảng 5-6 nhân viên y tế đã có mặt tại quán với các yêu cầu gắt gao là tất cả các nguyên liệu đều phải có xuất xứ, có hóa đơn, lấy mẫu niêm phong, xét nghiệm…. Các nguyên liệu đầu vào từ gà, rau, mì…đều được kiểm tra, giám sát kỹ càng.

Để đãi khách, đích thân ông và vợ đi đốn từng cây chuối, hái từng mớ rau húng được trồng trong vườn nhà . Sợi mì cũng được vợ chồng ông tự làm theo kiểu truyền thống của người Quảng. “Để khách họ biết, mì Quảng không chỉ ngon, đặc sản mà còn là tâm ý của dân Quảng gửi vào đó”-ông Mười chia sẻ thêm. Bà Ngô Thị Hạnh, 52 tuổi-nhân viên của quán mì Giao Thủy tâm sự: “Cảm giác vừa hồi hộp vừa phải tự dặn mình phải cẩn thận từng li từng tý”.

Đúng hẹn, mì Quảng Giao Thủy được đưa tới cung Tiên Sơn. “Tại khu vực này, ban tổ chức đã bố trí sẵn 4 bếp, toàn bộ nồi niêu, chén bát…đều mới tinh. Nhân viên của quán được trang bị trang phục, tạp dề, găng tay trong khi hâm lại đồ ăn, múc mì ra”-bà Lê Thị Thúy Mười vợ ông Mười chia sẻ.

“Căng thẳng là vậy nhưng trong lòng chúng tôi cảm thấy vui thầm và rất đỗi tự hào khi mình đưa món ăn đặc sản của quê hương xứ sở đến bạn bè quốc tế. Khi nhìn những tô mì được các đại biểu ăn hết thấy lòng mình nhẹ nhõm, vui chi lạ”-ông Mười vui vẻ nói.

Ông Mười lưu giữ hộp đựng 5 mẫu thức ăn phục vụ tiệc chiêu đãi được bộ phận y tế niêm phong – Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Góp sức mình cho thành phố

Sau sự kiện 1.300 tô mì ấy, giờ ông Mười thảnh thơi chia sẻ: “Đó là công việc của mình nhưng rất vui và tự hào bởi món mì bình dân, đặc sản đã được mang ra mời bạn bè quốc tế. Góp chút sức mình cho TP trong sự kiện lớn APEC”.

Ông bộc bạch, mì của quán Giao Thủy từ bao nhiêu năm nay là loại mì do chính tay ông bà xay bột và tự tráng. Ông bà còn tự tay trồng rau sạch, chuối cây…trên lô đất mà mình thuê ở Đà Nẵng tự để phục vụ thực khách. “Mì vừa mang hương vị quê hương và đảm bảo phải sạch sẽ”-ông Mười cho hay.

Quê ông Mười ở Duy Hòa, huyện Duy Xuyên còn vợ ở bên kia sông Thu Bồn, thuộc xã Đại An, huyện Đại Lộc. Gần 30 năm trước, ông bà mở cái quán mì Quảng sơ sài ở ngay vùng quê nghèo Kiểm Lâm. “Chú bán có đủ loại mì Quảng nhưng “đặc sắc” nhất lúc đó là mì lươn. Bấy giờ mì gà là bình thường, còn mì lươn thì độc đáo. Đó là loại lươn đồng thịt chắc nịch được bắt từ cánh đồng Công Điền”-ông Mười nhớ lại.

Nhiều khách ăn nghiện món mì của quán ông đã rủ rê ông ra Đà Nẵng mở quán. Và dần dần ông gây dựng được thương hiệu riêng của mình. Cả năm người con của ông đều bán mì Quảng. “Con gái đầu của chú tên Thủy. Giao Thủy là nơi giao nhau giữa 2 dòng Vu Gia-Thu Bồn. Là nơi có bến đò xưa mỗi lần về quê cũ cô chú lại gọi đò ơi. Đặt tên Giao Thủy để nhắc nhở mình luôn nhớ về cố hương”-ông Mười nói nhỏ như nhủ với lòng mình.

Một lãnh đạo Sở ngoại vụ Đà Nẵng cho biết, khi tổ chức buổi chiêu đãi tại Tiên Sơn phía TP Đà Nẵng và đơn vị tổ chức đã đề xuất đưa món mì Quảng-một đặc sản để giới thiệu đến đại biểu APEC và được chấp thuận. “Đưa món ăn đặc sản, một nét văn hóa của địa phương quảng bá đến với bạn bè quốc tế là một cơ hội hiếm có và cũng rất thú vị”-vị đại diện này nói.
ĐOÀN CƯỜNG